Tin giả là gì?
Tin giả là thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm được giả mạo thành tin tức hợp pháp. Nhìn chung, tin giả được chia thành hai loại:
- Những câu chuyện cố tình không chính xác – tức là người đăng tin biết chúng là sai nhưng vẫn đăng. Mục đích có thể là để thao túng dư luận hoặc thu hút lưu lượng truy cập vào một trang web cụ thể.
- Những câu chuyện có chứa yếu tố sự thật nhưng nhìn chung là không đúng. Điều này có thể là do người viết đã không kiểm tra tất cả các sự việc hoặc cường điệu một số khía cạnh để nêu bật một quan điểm cụ thể.
Thông tin sai lệch không phải là một hiện tượng mới – thuật ngữ “tin giả” thực ra đã được sử dụng vào thế kỷ 19 – nhưng Internet và phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi cách thức tạo và lan truyền thông tin sai lệch. Trước khi có Internet, con người có xu hướng nhận tin tức từ các nguồn truyền thông đáng tin cậy trong đó các nhà báo được yêu cầu tuân thủ các quy tắc thực hành nghiêm ngặt. Internet đã mở ra những cách thức mới để xuất bản, chia sẻ và sử dụng tin tức và thông tin, với rất ít quy định hoặc tiêu chuẩn biên tập. Hiện nay nhiều người sử dụng tin tức từ mạng xã hội và các nguồn trực tuyến khác – nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được câu chuyện nào là đáng tin và câu chuyện nào là sai lệch.
Các loại tin giả
Có nhiều loại tin giả khác nhau, tùy thuộc vào động cơ của người tạo ra nó. Ví dụ:
Mồi nhử nhấp chuột
Tin giật gân sẽ bán được hàng, còn những câu chuyện kỳ lạ hoặc thái quá cùng những hình ảnh bóp méo sẽ thu hút lượt nhấn và chia sẻ trực tuyến. Mồi nhử nhấp chuột dùng để chỉ những câu chuyện được cố tình thiết kế để thu hút nhiều người truy cập trang web hơn và tăng doanh thu quảng cáo cho chủ sở hữu trang web – thường là đánh đổi bằng sự thật và sự chính xác.
Tuyên truyền
Thuật ngữ này đề cập đến những câu chuyện sai lệch hoặc bị bóp méo được viết nhằm gây hiểu lầm cho khán giả và thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị hoặc quan điểm thiên vị.
Báo chí chất lượng kém
Đôi khi, các nhà báo không có thời gian kiểm tra toàn bộ sự việc trước khi đăng, dẫn đến những sai lầm thực sự trở thành tin giả. Tuy nhiên, các nguồn tin mới đáng tin cậy sẽ sửa lỗi trong câu chuyện của họ và minh bạch với độc giả khi họ đưa thông tin sai.
Tiêu đề gây hiểu lầm
Đôi khi một câu chuyện có thể đại khái là đúng nhưng lại sử dụng một tiêu đề giật gân hoặc gây hiểu lầm để lôi kéo người đọc nhấn vào. Điều này có thể dẫn đến tin giả – vì thường chỉ có tiêu đề và các đoạn trích nhỏ của bài viết được hiển thị trên mạng xã hội, nơi tin giả có thể lan truyền nhanh chóng.
Nội dung mạo danh
Đây là lúc các nguồn tin tức chính thống bị mạo nhận với những câu chuyện sai lệch và bịa đặt để lừa dối hoặc gây hiểu lầm cho khán giả.
Châm biếm hoặc nhại lại
Một số tin giả được đăng tải với giá trị giải trí. Chẳng hạn các câu chuyện châm biếm sử dụng sự hài hước, mỉa mai hoặc cường điệu để đùa cợt về tin tức hoặc người nổi tiếng. Những câu chuyện này không nhằm mục đích gây hiểu lầm cho khán giả vì người ta không có ý định làm sự việc trầm trọng. Những ví dụ đáng chú ý về các trang web châm biếm bao gồm The Onion và The Daily Mash.
Các chính trị gia cấp cao thường bác bỏ những câu chuyện mà họ không đồng tình – có thể là sự thật và đã được xác minh – là "tin giả". Vì thuật ngữ “tin giả” có phạm vi bao quát và có ý nghĩa khác nhau đối với nhiều người nên nó có thể bị tranh cãi. Năm 2018, Chính phủ Anh đã cấm thuật ngữ này trong các giấy tờ hoặc tài liệu chính thức, với lý do thuật ngữ này được định nghĩa quá kém, không có ý nghĩa. Thay vào đó, họ thích sử dụng các thuật ngữ như "thông tin sai lệch" và "thông tin xuyên tạc" khi mô tả những câu chuyện sai sự thật:
- Thông tin xuyên tạc– những câu chuyện giả mạo hoặc gây hiểu lầm được tạo ra và chia sẻ một cách có chủ đích, thường do một tác giả có động cơ tài chính hoặc chính trị để làm vậy.
- Thông tin sai lệch – từ này cũng có nghĩa là những câu chuyện giả mạo hoặc gây hiểu lầm, nhưng trong trường hợp này, những câu chuyện có thể không được cố ý tạo ra hoặc chia sẻ với mục đích gây hiểu lầm.
Tin giả hoạt động như thế nào?
Tin giả thường được lan truyền qua các trang web đưa tin giả, thường ganh đua với các nguồn tin tức xác thực nhằm tạo uy tín. Theo nghiên cứu, mạng xã hội đã khiến những luận điệu sai lệch được lan truyền nhanh chóng – thậm chí còn nhanh hơn cả tin tức thật. Tin giả lan truyền nhanh chóng vì chúng thường được thiết kế để thu hút sự chú ý và khơi gợi cảm xúc – đó là lý do tại sao thường có những luận điệu hoặc câu chuyện kỳ quặc gây ra sự tức giận hoặc sợ hãi.
Nguồn cấp dữ liệu mạng xã hội thường ưu tiên nội dung dựa trên số liệu về mức độ tương tác – tức là tần suất chia sẻ và thích nội dung – thay vì độ chính xác hoặc độ nghiên cứu kỹ lưỡng của nội dung đó. Cách tiếp cận này có thể khiến tin giật gân, tin cường điệu và thông tin sai lệch lan truyền rộng rãi. Các công ty truyền thông xã hội được coi là những nền tảng hơn là nhà xuất bản, nghĩa là họ không có nghĩa vụ pháp lý như các hãng truyền thông truyền thống – mặc dù điều này có thể thay đổi khi bối cảnh chính trị và pháp lý thay đổi.
Các bot mạng xã hội có thể lan truyền tin giả vì chúng sản xuất và lan truyền hàng loạt các bài viết, bất chấp độ tin cậy của nguồn tin. Các bot có thể tạo các tài khoản giả trực tuyến, sau đó thu hút người theo dõi, sự công nhận và uy thế – một số trong đó được lập trình để lan truyền thông tin sai lệch.
Những kẻ khiêu khích – những người dùng internet cố tình dấy lên các cuộc tranh cãi hoặc làm người khác khó chịu – cũng góp phần vào việc lan truyền tin giả. Đôi khi họ có thể được trả tiền để làm vậy vì lý do chính trị. Các thuật ngữ như “troll farm” hoặc “troll factory” đôi khi được sử dụng trong bối cảnh này để chỉ các nhóm khiêu khích được tổ chức hóa nhằm can thiệp vào quá trình ra quyết định chính trị.
Tin giả đôi khi liên quan đến việc sử dụng Deepfake. Đây là những video giả được tạo ra bằng cách sử dụng phần mềm kỹ thuật số, máy học và hoán đổi khuôn mặt. Các hình ảnh được kết hợp để tạo ra cảnh quay mới thể hiện các sự kiện hoặc hành động mà thực tế chưa từng diễn ra. Kết quả có thể rất thuyết phục và khó có thể xác định là sai.
Ví dụ về tin giả
Tin giả về virus corona
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho thông tin sai lệch trực tuyến, với vô số các ví dụ về tin giả trong suốt cuộc khủng hoảng. Một ví dụ dai dẳng về tin giả trên mạng xã hội là tuyên bố rằng công nghệ 5G có liên quan đến sự lây lan của virus – được cho là do 5G ức chế hệ thống miễn dịch trong khi virus lây truyền qua sóng vô tuyến. Những tuyên bố này không đúng sự thật và nhiều lần bị các nguồn tin chính thức lật tẩy nhưng vẫn được chia sẻ rộng rãi.
Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016
Tin giả và thông tin sai lệch đã trở thành một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử của Hoa Kỳ năm 2016, với những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm trên khắp hệ thống chính trị. Một phân tích cho thấy phần lớn tin giả được tạo trong cuộc bầu cử là do thanh thiếu niên ở Macedonia tạo ra, họ nhận thấy rằng những câu chuyện mà họ tạo càng mang tính đảng phái thì càng có nhiều người nhấn vào và chia sẻ và kết quả là họ kiếm được càng nhiều tiền.
Vụ đánh bom ở giải Marathon Boston
Sau vụ đánh bom náo động ở giải Marathon Boston năm 2013, nhiều tuyên bố sai lệch rằng vụ đánh bom là một âm mưu tinh vi do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện đã lan truyền trực tuyến. Sau nhiều vụ khủng bố xảy ra trên khắp thế giới, các thuyết âm mưu thường xuất hiện tràn lan. Quan niệm cho rằng chúng là các hoạt động "cờ giả" – tức là do nhà nước hoặc một phe đảng bí mật thực hiện để đổ lỗi cho người khác hoặc che giấu các hoạt động khác – là một cách nói bóng gió phổ biến.
Kim Jong-un – người đàn ông quyến rũ nhất còn sống?
Năm 2012, trang web châm biếm The Onion đã đăng một bài viết nói rằng nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong-un đã được bình chọn là người đàn ông quyến rũ nhất còn sống, tuyên bố rằng "soái ca đến từ Bình Nhưỡng chính là giấc mơ thành sự thật của mọi phụ nữ". Trong một ví dụ về cách châm biếm đôi khi có thể bị hiểu lầm giữa các nền văn hóa, các ấn phẩm ở Trung Quốc – bao gồm cả phiên bản trực tuyến của tờ báo Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã thuật lại tuyên bố này như thể nó là sự thật.
Tin giả nguy hiểm ở chỗ nào?
Mọi người thường đưa ra những quyết định quan trọng – ví dụ như cách bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hoặc phương pháp điều trị y tế nào cần áp dụng khi bị bệnh – dựa trên những gì họ đọc được trên tin tức. Đó là lý do tại sao tin tức đáng tin cậy lại quan trọng đến vậy. Những nguy hiểm của tin giả bao gồm:
- Khi mọi người không thể phân biệt được giữa tin thật và tin giả, điều này sẽ tạo sự nhầm lẫn và hiểu lầm về các vấn đề xã hội và chính trị quan trọng. Khi mọi người có cảm giác suy diễn là "bạn không thể tin bất cứ điều gì mà bạn đọc", điều này làm suy yếu lòng tin chung vào các nguồn tin tức hợp pháp.
- Những câu chuyện giả mạo và gây hiểu lầm liên quan đến các phương pháp điều trị y tế hoặc các bệnh nghiêm trọng – chẳng hạn như ung thư hoặc Covid-19 – có thể khiến các cá nhân đưa ra những quyết định sai lầm về sức khỏe của họ.
- Nhiều tin tức giả mạo được tạo ra nhằm khuấy động và làm gia tăng xung đột xã hội. Khi các mặt khác nhau của một cuộc tranh luận có "sự thật" riêng, điều này dẫn đến sự phân cực lớn hơn trong xã hội và có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
- Các trường đại học và cao đẳng mong đợi sinh viên sử dụng các nguồn thông tin chất lượng để làm bài tập. Những sinh viên sử dụng các nguồn thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm có thể nhận điểm thấp hơn.
Cách nhận dạng tin giả
Bạn có thể đang thắc mắc làm thế nào để xác định tin tức giả mạo trên Facebook và các trang mạng xã hội khác? Là sinh viên, làm cách nào để tránh tin giả? Hoặc làm thế nào để tránh vô tình chia sẻ trực tuyến những thông tin sai lệch? Sau đây là mười mẹo để xác định thông tin sai lệch, nhận diện các trang web tin tức giả mạo và suy nghĩ trước khi chia sẻ:
1. Kiểm tra nguồn:
Kiểm tra địa chỉ web của trang mà bạn đang xem. Đôi khi, các trang web tin tức giả mạo có thể có lỗi chính tả trong URL hoặc sử dụng các phần mở rộng miền ít thông dụng hơn như ".infonet" hoặc ".offer". Nếu bạn chưa quen với trang web này, hãy xem phần Giới thiệu.
2. Kiểm tra tác giả:
Nghiên cứu xem liệu chúng có đáng tin cậy không – ví dụ, chúng có thật không, có uy tín không, chúng có viết về lĩnh vực chuyên môn cụ thể của chúng không và chúng có mục đích chương trình nghị sự cụ thể nào không? Xem xét động cơ của người viết có thể là gì.
3. Kiểm tra các nguồn khác:
Có cơ quan truyền thông hay tin tức uy tín nào khác đưa tin về câu chuyện này không? Các nguồn tin cậy có được trích dẫn trong câu chuyện không? Các hãng thông tấn toàn cầu chuyên nghiệp đều có hướng dẫn biên tập và nguồn lực rộng lớn để kiểm tra thực tế, vì vậy nếu họ cũng đưa tin về câu chuyện thì đó là một dấu hiệu tốt.
4. Duy trì tư duy phản biện:
Nhiều tin giả được viết một cách khéo léo để khơi dậy những phản ứng cảm xúc mạnh chẳng hạn như sợ hãi hoặc tức giận. Duy trì tư duy phản biện bằng cách tự hỏi – tại sao câu chuyện này được viết? Nó có đang thúc đẩy một mục đích hay chương trình nghị sự cụ thể nào không? Nó có đang cố gắng khiến tôi nhấn vào để chuyển sang một trang web khác không?
5. Kiểm tra sự thật:
Những câu chuyện tin tức đáng tin cậy sẽ bao gồm nhiều sự thật – dữ liệu, số liệu thống kê, trích dẫn từ các chuyên gia, v.v. Nếu thiếu những yếu tố này, hãy đặt câu hỏi tại sao. Các báo cáo có thông tin sai lệch thường có ngày tháng không đúng hoặc mốc thời gian đã thay đổi, vì vậy, sẽ là ý hay nếu bạn kiểm tra thời điểm bài viết được đăng. Đây là câu chuyện tin tức nóng hổi hay đã cũ?
6. Kiểm tra bình luận:
Kể cả khi bài viết hoặc video là hợp pháp thì các bình luận bên dưới có thể không. Thông thường, các đường liên kết hoặc bình luận được đăng để phản hồi nội dung có thể được tự động tạo ra bởi các bot hoặc những người được thuê để đưa thông tin gây hiểu lầm hoặc nhầm lẫn.
7. Kiểm tra thành kiến của riêng bạn:
Tất cả chúng ta đều có thành kiến – liệu chúng có ảnh hưởng đến cách bạn phản hồi bài viết không? Mạng xã hội có thể tạo ra cộng hưởng bằng cách gợi ý những câu chuyện phù hợp với thói quen duyệt web, sở thích và quan điểm hiện tại của bạn. Càng đọc nhiều nguồn và góc nhìn khác nhau, chúng ta càng có khả năng đưa ra kết luận chính xác.
8. Kiểm tra xem đó có phải là trò đùa không:
Các trang web châm biếm rất phổ biến và đôi khi không phải lúc nào cũng rõ ràng liệu một câu chuyện chỉ là trò đùa hay sự nhại lại. Kiểm tra trang web xem nó có nổi tiếng về sự châm biếm hay tạo những câu chuyện hài hước không.
9. Kiểm tra xem hình ảnh có xác thực không:
Những hình ảnh mà bạn thấy trên mạng xã hội có thể đã bị chỉnh sửa hoặc tác động. Các dấu hiệu có thể bao gồm đường cong – khi các đường thẳng dưới nền giờ trông có vẻ gợn sóng – cũng như có các bóng lạ, các cạnh lởm chởm hoặc tông màu da nhìn quá hoàn hảo. Cũng lưu ý rằng một hình ảnh có thể là đúng nhưng lại được sử dụng trong một bối cảnh gây hiểu lầm. Bạn có thể sử dụng các công cụ như Reverse Image Search (Tìm kiếm hình ảnh ngược) của Google để kiểm tra nguồn gốc của hình ảnh và liệu nó có bị thay đổi không.
10. Sử dụng trang web kiểm tra sự thật:
Một số loại nổi tiếng nhất bao gồm:
Tin giả dựa vào việc người tin tưởng chúng đăng lại, chia sẻ lại hoặc chia sẻ thông tin sai lệch. Nếu bạn không chắc chắn một bài viết có xác thực hay không, hãy dừng lại và suy nghĩ trước khi chia sẻ. Để đảm bảo an toàn khi trực tuyến, hãy sử dụng một giải pháp chống virus như Kaspersky Total Security, giúp bảo vệ bạn khỏi tin tặc, virus, phần mềm độc hại và các mối đe dọa trực tuyến khác.
Sản phẩm được khuyến cáo: