Chuyển đến nội dung chính

Phải làm gì nếu bạn nghĩ rằng máy Mac của mình có phần mềm độc hại

Phải làm gì nếu bạn nghĩ rằng máy Mac của mình có phần mềm độc hại

Bạn có thể lo lắng khi phát hiện phần mềm độc hại trên máy Mac của mình. Nếu máy tính của bạn đã bị lây nhiễm, thông tin cá nhân và khả năng là danh tính của bạn sẽ bị đe dọa. Mặc dù phần mềm độc hại trên máy Mac tương đối hiếm, số lượng mối đe dọa đối với macOS lại đang gia tăng – điều này khiến việc hiểu cách kiểm tra phần mềm độc hại trên máy Mac và cách gỡ bỏ phần mềm độc hại khỏi máy Mac trở nên quan trọng.

Trong bài viết này, các thuật ngữ "phần mềm độc hại" và "virus" được sử dụng, mặc dù chúng là những thực thể khác nhau. Phần mềm độc hại là phần mềm có hại, chẳng hạn như các ứng dụng ngụy trang thành phần mềm hợp pháp nhưng lại thực hiện các nhiệm vụ thù địch như đánh cắp dữ liệu của bạn. Virus thường xuất hiện dưới dạng các chương trình nhỏ, được thiết kế để lây nhiễm vào các tập tin và các chương trình khác trên máy tính bằng cách chèn mã của chúng. Virus khiến các tập tin bị lây nhiễm đến lượt nó lại hoạt động giống như virus, phát tán mã khắp thiết bị của bạn.

Dấu hiệu máy Mac của bạn có thể bị lây nhiễm virus hoặc phần mềm độc hại

Một số loại phần mềm độc hại có thể không bị phát hiện trên máy của bạn một thời gian, trong khi một số khác có thể dễ dàng nhận thấy hơn ngay lập tức. Các dấu hiệu cần chú ý bao gồm:

Máy Mac của bạn hoạt động chậm hơn bình thường. Điều này có nghĩa là ai đó đang sử dụng máy của bạn để đào tiền điện tử hoặc thực hiện các cuộc tấn công DDoS.

Trình duyệt của bạn có một trang chủ mới hoặc có các tiện ích mở rộng mà bạn chưa thêm. Điều này có thể có nghĩa là trình duyệt của bạn đã bị chiếm đoạt và đang chuyển hướng lưu lượng của bạn đến các trang web độc hại của bên thứ ba.

Bạn nhận thấy có nhiều quảng cáo hoặc cửa sổ bật lên hơn bình thường. Điều này có thể có nghĩa bạn là nạn nhân của phần mềm quảng cáo. Loại phần mềm độc hại này tạo ra lợi nhuận từ các lần nhấn vào quảng cáo (cho thủ phạm, không phải cho bạn).

Bạn nhận được các cảnh báo bảo mật kể cả khi không quét máy Mac. Điều này có thể là dấu hiệu của phần mềm hù dọa – một loại phần mềm độc hại được thiết kế để lừa bạn cài đặt thêm phần mềm độc hại.

Danh bạ của bạn nhận được thư rác từ các tài khoản của bạn. Nếu bạn bè của bạn nói rằng họ nhận được thư rác từ tài khoản email hoặc tài khoản mạng xã hội của bạn, điều đó có thể có nghĩa là máy Mac của bạn đã bị lây nhiễm phần mềm độc hại đang cố gắng phát tán chính nó hoặc các chương trình độc hại khác cho người dùng.

Bạn không thể truy cập các tập tin cá nhân và thấy một ghi chú cảnh báo hoặc đòi tiền chuộc. Trong số các dấu hiệu cảnh báo về phần mềm độc hại, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất. Điều này có thể có nghĩa bạn là nạn nhân của ngựa Trojan hoặc phần mềm tống tiền – phần mềm độc hại được sử dụng để tống tiền.

Cách kiểm tra phần mềm độc hại trên máy Mac

Sau đây là những hành động chính mà bạn có thể làm để kiểm tra máy Mac của mình có bị nhiễm virus và phần mềm độc hại không:

Kiểm tra các ứng dụng không mong muốn

Đôi khi, phần mềm độc hại có thể lọt vào hệ thống của bạn bên cạnh phần mềm hợp pháp. Nếu bạn đã không sử dụng một ứng dụng trong một thời gian hoặc không nhớ đã cài đặt nó, tốt nhất hãy xóa ứng dụng đó. Để thực hiện điều này:

  1. Mở Trình tìm kiếm  và đi đến thư mục Ứng dụng
  2. Cuộn qua danh sách các ứng dụng và xóa bất kỳ ứng dụng nào bạn không nhận ra
  3. Làm trống Thùng rác

Kiểm tra thư mục tải xuống của bạn

Phần mềm độc hại thường cần được tải xuống máy Mac của bạn để cài đặt và đôi khi điều này có thể bí mật xảy ra. Kiểm tra thư mục Tải xuống của bạn để xem có thứ gì bạn không nhận ra không. Nếu bạn phát hiện các ứng dụng hoặc hình ảnh đĩa không mong đợi, đừng nhấn đúp vào chúng để xác định – thay vào đó, hãy chọn biểu tượng của chúng và nhấn thanh dấu cách để xem tên cũng như thời điểm chúng được tải xuống. Nếu bạn vẫn không nhận ra chúng, hãy xóa chúng. Di chuyển các tập tin tải xuống mà bạn muốn giữ sang các thư mục khác, sau đó xóa mọi thứ khác và làm trống Thùng rác.

Sau khi xong, hãy vào tùy chọn General (Chung) của Safari và bỏ chọn mục Open “safe” files after downloading (Mở các tập tin “an toàn” sau khi tải xuống). Nếu tùy chọn này được bật thì một số lượt tải xuống tự động – tức là các lượt tải xuống được khởi tạo bởi một trang web – có thể khởi chạy khi chúng vào máy Mac của bạn.

Kiểm tra và loại bỏ các mục đăng nhập đáng ngờ

Phần mềm độc hại thường bắt đầu hoạt động âm thầm ngay khi bạn đăng nhập vào máy Mac. Để ngăn chặn việc này xảy ra:

  1. Nhấn vào biểu tượng Apple ở menu trên cùng
  2. Đi tới System Preferences (Tùy chọn hệ thống)
  3. Nhấn vào Users & Groups (Người dùng & Nhóm)
  4. Chọn các mục đăng nhập
  5. Ở phần dưới bên trái của cửa sổ bật lên, nhấn vào biểu tượng khóa
  6. Đánh dấu vào các hộp bên cạnh tất cả các mục đăng nhập đáng ngờ
  7. Nhấn vào dấu trừ để xóa các mục
  8. Để xác nhận cài đặt mới của bạn, nhấn vào biểu tượng khóa một lần nữa

Cách xóa phần mềm độc hại khỏi máy Mac

Nếu bạn đang thắc mắc làm thế nào để loại bỏ phần mềm độc hại hoặc virus khỏi máy Mac của bạn, đây là những hành động chính cần thực hiện:

Vào chế độ an toàn

Khởi động máy Mac của bạn ở chế độ An toàn – để ngăn phần mềm độc hại nạp khi khởi động.

Cách khởi động vào chế độ An toàn trên máy Mac Intel:

  1. Nhấn giữ phím Shift ngay khi máy Mac của bạn bật hoặc khởi động lại
  2. Khi bạn thấy cửa sổ đăng nhập, hãy bỏ ngón tay khỏi phím Shift
  3. Đăng nhập bằng thông tin thông thường của bạn
  4. Bạn sẽ thấy Safe Boot (Khởi động an toàn) ở góc trên bên phải của màn hình đăng nhập

Cách khởi động vào chế độ An toàn trên máy Mac M1:

  1. Tắt máy Mac của bạn. Nhấn và giữ nút nguồn trong 10 giây
  2. Thả tay ra khi bạn thấy cửa sổ tùy chọn khởi động
  3. Chọn đĩa khởi động của bạn, sau đó giữ phím Shift
  4. Khi được nhắc, hãy nhấn vào Tiếp tục ở Chế độ an toàn và nhả phím Shift
  5. Sau khi đăng nhập, bạn sẽ thấy máy Mac của mình ở chế độ An toàn

Để kiểm tra chế độ Khởi động an toàn đã bật hay chưa, nhấn vào logo Apple ở góc trên bên trái màn hình, sau đó vào phần About This Mac (Giới thiệu về máy Mac này) > System Report (Báo cáo hệ thống) > Software (Phần mềm). Kiểm tra chế độ khởi động và An toàn.

Xác định phần mềm độc hại trong Activity Monitor

Sử dụng Activity Monitor để xác định phần mềm độc hại tiềm ẩn:

  1. Đi tới Applications (Ứng dụng) > Utilities (Tiện ích) > Activity Monitor (Trình giám sát hoạt động)
  2. Duyệt qua danh sách các ứng dụng và tìm những ứng dụng có mức sử dụng CPU hoặc bộ nhớ cao bất thường
  3. Nhấn vào X ở góc trên bên trái của cửa sổ để đóng các ứng dụng đã chọn
  4. Tìm tên các tập tin tương ứng trong Trình tìm kiếm và xóa chúng
  5. Làm trống Thùng rác

Chạy trình quét phần mềm độc hại

Trình quét phần mềm độc hại có thể loại bỏ hầu hết các lây nhiễm thông thường. Nhớ rằng nếu bạn đã có chương trình diệt virus trên máy tính, bạn nên sử dụng một trình quét khác để kiểm tra phần mềm độc hại này vì phần mềm diệt virus hiện tại của bạn có thể không phát hiện ra phần mềm độc hại ngay từ đầu. Nếu bạn tin rằng máy tính của mình bị lây nhiễm, hãy tải xuống một trình quét theo yêu cầu từ nguồn đáng tin cậy, sau đó cài đặt và chạy phần mềm bảo mật giúp bảo vệ chống lại phần mềm độc hại hiện có và mới xuất hiện.

Kiểm tra cài đặt trình duyệt và gỡ bỏ các tiện ích mở rộng không xác định

Kẻ chiếm đoạt có thể chuyển hướng lưu lượng của bạn và theo dõi hoặc đánh cắp dữ liệu của bạn. Vì lý do này, sẽ rất tốt nếu bạn kiểm tra cài đặt trình duyệt và gỡ bỏ các tiện ích mở rộng không xác định. Quá trình này về cơ bản là giống nhau đối với mọi trình duyệt, mặc dù tốt nhất bạn nên kiểm tra trang trợ giúp của trình duyệt để biết chi tiết cụ thể.

Để xóa các tiện ích mở rộng Safari không mong muốn:

  1. Mở Safari và đi tới Preferences (Tùy chọn) > General (Chung)
  2. Trong trường Trang chủ , hãy kiểm tra địa chỉ trang chủ
  3. Nếu địa chỉ hiện tại trông lạ, hãy đổi sang một trang ưa thích
  4. Mở tab Extensions (Tiện ích mở rộng) và đánh dấu vào các hộp bên cạnh các tiện ích mở rộng đáng ngờ
  5. Nhấn Uninstall (Gỡ cài đặt)

Để xóa các tiện ích mở rộng Chrome không mong muốn:

  1. Trong Chrome, chọn Window (Cửa sổ) > Task Manager (Trình quản lý tác vụ)
  2. Sắp xếp cột CPU để xem có tiện ích mở rộng nào đang sử dụng nhiều năng lượng xử lý không. Làm tương tự với các cột Vùng phủ bộ nhớ và Mạng
  3. Bây giờ hãy chọn Window (Cửa sổ) > Extensions (Tiện ích mở rộng) từ thanh menu
  4. Xem qua các tiện ích mở rộng đã cài đặt và nhấn vào nút Remove (Gỡ bỏ) trên bất kỳ tiện ích mở rộng nào có vẻ đáng ngờ

Xóa bộ nhớ đệm của bạn

Sau khi đã xác minh cài đặt trang chủ, bạn cần xóa bộ nhớ đệm của trình duyệt. Bộ nhớ đệm là phần ổ cứng lưu trữ các tập tin trình duyệt mà trình duyệt của bạn cho rằng có thể sử dụng lại. Nếu không có tính năng này, trình duyệt của bạn sẽ hoạt động chậm hơn vì mỗi trang web bạn mở sẽ cần tải xuống một số lượng lớn tập tin từ đầu mỗi lần. Sau đây là cách xóa bộ nhớ đệm trên Safari và Chrome:

Để xóa bộ nhớ đệm trên Safari:

Chọn Safari > Remove (Tùy chọn) > Privacy (Quyền riêng tư) > Manage Website Data (Quản lý dữ liệu trang web) > Remove All (Xóa tất cả).

Để xóa bộ nhớ đệm trên Chrome:

Chọn Chrome > History (Lịch sử) > Clear Browsing Data (Xóa dữ liệu duyệt web) > Khoảng thời gian (Time Range) > All Time (Tất cả thời gian) > Clear Data (Xóa dữ liệu).

Ảnh MacBook

Phải làm gì nếu máy Mac của bạn có virus

Ngoài những lời khuyên trên, bạn có thể thực hiện nhiều hành động khác để bảo vệ bản thân nếu máy Mac của bạn bị lây nhiễm phần mềm độc hại – cả trước và sau khi nó đã bị xóa. Các bước này bao gồm:

Ở chế độ ngoại tuyến:

Trong thời gian nghi ngờ bị lây nhiễm phần mềm độc hại, hãy ngoại tuyến càng nhiều càng tốt. Bạn có thể tắt kết nối internet bằng cách nhấn vào biểu tượng Wi-Fi ở góc trên bên trái của thanh menu và chọn Tắt Wi-Fi hoặc bằng cách ngắt kết nối cáp Ethernet nếu bạn đang sử dụng một mạng có dây. Việc ngoại tuyến cho đến khi bạn chắc chắn rằng phần mềm độc hại đã được xóa sạch sẽ ngăn chặn mọi dữ liệu của bạn được gửi đến máy chủ phần mềm độc hại. Tuy nhiên, có một lưu ý: nếu bạn cần tải xuống bất kỳ công cụ dọn dẹp nào thì việc này sẽ không thể thực hiện được.

Tránh sử dụng mật khẩu của bạn, hãy thay đổi chúng ngay lập tức:

Nếu bạn nghi ngờ máy Mac của mình bị nhiễm phần mềm độc hại hoặc virus, bạn nên tránh nhập bất kỳ mật khẩu hoặc thông tin đăng nhập nào trên thiết bị. Điều này áp dụng trong trường hợp một trình theo dõi thao tác bàn phím ẩn – một thành phần phổ biến của phần mềm độc hại – đang chạy. Một số phần mềm độc hại hoặc virus dựa vào trình theo dõi thao tác bàn phím sẽ chụp ảnh màn hình định kỳ, vì vậy, tránh tiết lộ bất kỳ mật khẩu nào bằng cách sao chép và dán từ một tài liệu hoặc nhấn vào hộp Hiện mật khẩu đôi khi xuất hiện trong hộp thoại.

Để thay đổi mật khẩu đăng nhập máy Mac của bạn:

Vào System Preferences (Tùy chọn hệ thống) > Users & Groups (Người dùng & Nhóm), sau đó nhấn vào Change Password (Thay đổi mật khẩu).

Để thay đổi mật khẩu iCloud của bạn:

Mật khẩu iCloud của bạn rất quan trọng vì nó cho phép truy cập vào lượng lớn dữ liệu cá nhân trên nhiều thiết bị. Như trên, nếu phần mềm độc hại ghi lại mật khẩu khi bạn nhập, tài khoản iCloud của bạn có thể bị xâm phạm. Để thay đổi điều này, vào System Preferences (Tùy chọn hệ thống) > Apple ID > Password & Security (Mật khẩu và Bảo mật), sau đó nhấn vào Change Password (Đổi mật khẩu). Nếu bạn chưa thực hiện điều này, hãy bật Xác thực hai yếu tố để không ai có thể vào tài khoản iCloud của bạn nếu không có mã xác minh bổ sung được gửi đến thiết bị của bạn.

Khi bạn tin rằng mình đã gỡ bỏ mọi phần mềm độc hại hoặc virus trên máy Mac, điều quan trọng là thay đổi tất cả mật khẩu của bạn trên các trang web, dịch vụ đám mây, ứng dụng, ngân hàng, v.v. Nhớ sử dụng mật khẩu mạnh và không bao giờ sử dụng lại mật khẩu trên nhiều trang web hoặc dịch vụ khác nhau. Một trình quản lý mật khẩu có thể giúp bạn theo dõi nhiều mật khẩu.

Hủy thẻ ngân hàng và thẻ tín dụng:

Nếu bạn đã chuyển tiền cho phần mềm độc hại vào bất kỳ thời điểm nào – ví dụ, nếu bạn đã trả tiền cho thứ mà bạn nghĩ là ứng dụng diệt virus hợp pháp – hãy liên hệ ngay lập tức với công ty thẻ tín dụng hoặc ngân hàng của bạn và giải thích tình hình. Việc này nhằm đảm bảo thông tin thẻ tín dụng của bạn không bị sử dụng ở bất cứ nơi nào khác chứ không phải để được hoàn lại tiền – mặc dù điều đó vẫn có thể xảy ra.

Kể cả khi tiền không bị chuyển, bạn vẫn nên thông báo cho ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của bạn về việc lây nhiễm và xin tư vấn về những việc cần làm tiếp theo. Họ có thể ghi chú vào tài khoản của bạn để có thể cảnh giác hơn nếu có ai đó cố gắng truy cập trong tương lai. Họ cũng có thể cung cấp cho bạn các chi tiết mới.

Sử dụng Time Machine:

Với điều kiện là bạn đã đang thực hiện sao lưu thường xuyên trên thiết bị của mình, bạn có thể dễ dàng khôi phục hệ thống bằng Time Machine. Điều này có nghĩa là bạn có thể phục hồi máy Mac của mình từ một bản sao lưu được thực hiện trước khi có bất kỳ dấu hiệu nào của phần mềm độc hại hoặc virus trên máy của bạn. Apple cung cấp lời khuyên về cách thực hiện việc này tại đây.

Xóa sạch máy Mac của bạn và cài đặt lại macOS:

Đôi khi, cách duy nhất để đảm bảo máy Mac của bạn không bị lây nhiễm là xóa sạch máy để phục hồi về cài đặt khi xuất xưởng, sau đó cài đặt lại macOS và tất cả các ứng dụng từ đầu. Việc phục hồi máy Mac của bạn về cài đặt khi xuất xưởng sẽ xóa tất cả các chương trình độc hại.

Tuy nhiên, đây là một giải pháp khá quyết liệt. Một tùy chọn tốt hơn là sử dụng trình quét virus, thường là một tính năng của phần mềm diệt virus được thiết kế cho máy Mac, như mô tả ở trên.

Nên chọn lọc phần mềm diệt virus mà bạn sử dụng:

Nếu bạn cho rằng máy Mac của mình bị lây nhiễm phần mềm độc hại thì điều không nên làm là tìm kiếm mô tả về vấn đề trên Google và cài đặt phần mềm đầu tiên bạn thấy tuyên bố là có thể khắc phục sự cố. Đó là vì nhiều phần mềm tự nhận có thể sửa máy Mac thực chất là phần mềm độc hại hoặc chỉ là giả mạo và được thiết kế chỉ để moi tiền của bạn. Những ứng dụng này có thể trông rất thuyết phục và chuyên nghiệp, vì vậy hãy cẩn thận.

Cách ngăn chặn phần mềm độc hại xâm nhập vào máy Mac của bạn

Sau đây là một số mẹo an toàn để bảo vệ máy Mac của bạn khỏi virus và phần mềm độc hại khác:

Tránh tải xuống phần mềm độc hại

Apple có các bảo vệ dựng sẵn được thiết kế để ngăn người dùng cài đặt phần mềm độc hại. Ví dụ, công ty sẽ không cho phép bạn cài đặt phần mềm không phải từ một nhà phát triển được đăng ký nếu không có sự cho phép của bạn. Khi bạn thử mở một ứng dụng như vậy, bạn sẽ được cảnh báo rằng ứng dụng đó đến từ một nhà phát triển không xác định. Điều này không nhất thiết có nghĩa đó là phần mềm độc hại, vì vậy thông thường bạn có thể mở phần mềm như vậy, nhưng bạn sẽ phải thay đổi một số cài đặt để làm điều này:

  • Mở System Preferences (Tùy chọn hệ thống)
  • Vào tab Security & Privacy (Bảo mật & Quyền riêng tư)
  • Nhấn vào ổ khóa và nhập mật khẩu của bạn để thực hiện các thay đổi
  • Thay đổi cài đặt "Cho phép ứng dụng được tải xuống từ" thành "App Store và các nhà phát triển đã xác định" chỉ từ App Store

Công nghệ Gatekeeper của macOS sẽ nhận diện mọi phần mềm độc hại và ngăn bạn cài đặt nó – miễn là nó không rất mới (Apple có thể phải mất vài ngày hoặc vài tuần để xử lý phần mềm độc hại mới). Nếu macOS phát hiện một ứng dụng độc hại, nó sẽ thông báo cho bạn và yêu cầu bạn chuyển ứng dụng đó vào Thùng rác.

Tuy nhiên, phần mềm độc hại có thể trông giống như phần mềm hợp pháp, chẳng hạn như một trình quét virus mà bạn tải xuống và cài đặt trong lúc hoảng loạn vì nghĩ rằng mình đã bị lây nhiễm. Đó là lý do tại sao cần thiết phải đọc các bài đánh giá đáng tin cậy hoặc xin lời khuyên cá nhân từ người khác trước khi tải xuống phần mềm.

Mặc dù Apple cung cấp các biện pháp bảo vệ dựng sẵn, phần mềm độc hại vẫn có những cách để có thể lừa bạn cài đặt chúng. Loại phần mềm độc hại này có thể được bạn tải xuống hoặc nó có thể đến qua email hoặc thậm chí qua tin nhắn tức thì – vì vậy hãy luôn cảnh giác.

Cẩn thận với các tập tin giả mạo

Phần mềm độc hại và virus đôi khi có thể ngụy trang thành một tập tin hình ảnh, tài liệu xử lý văn bản hoặc tài liệu PDF, bạn mở mà không biết đó là gì hoặc vì tò mò muốn xem đó là gì – ví dụ như khi phát hiện ra một tập tin mới lạ trên màn hình máy tính. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là không mở các tập tin đột nhiên xuất hiện trừ khi bạn biết chúng là gì.

Kỹ thuật của kẻ tạo ra phần mềm độc hại ở đây chỉ đơn giản là cung cấp cho phần mềm độc hại phần mở rộng của tập tin giả mạo – thường có thể thành công trong việc đánh lừa người dùng. Những loại tập tin này thường đến qua các email đáng ngờ từ những người liên hệ mà sau đó bạn phát hiện email của họ đã bị xâm nhập.

Cẩn thận với phần mềm độc hại được nạp qua các tập tin hợp lệ

Phần mềm độc hại có thể lây nhiễm hệ thống của bạn thông qua một lỗi hoặc lỗ hổng về bảo mật trong trình duyệt của bạn hoặc phần mềm khác, chẳng hạn như trình xử lý văn bản hoặc trình xem PDF. Ví dụ, một tài liệu hoặc trang web bình thường khác mà bạn mở có chứa phần mềm độc hại ẩn, chúng chạy mà bạn không hề biết hoặc mở ra lỗ hổng trong hệ thống của bạn để khai thác thêm.

Tránh các bản cập nhật hoặc công cụ hệ thống giả mạo

Phần mềm độc hại thường có thể trông giống như bản cập nhật hợp pháp. Thông thường, nó có thể được cung cấp qua một hộp thoại cảnh báo giả mạo khi bạn đang duyệt. Các bản cập nhật giả mạo cho bổ trợ trình duyệt Adobe Flash Player hoặc các ứng dụng diệt virus/tối ưu hóa hệ thống giả mạo là những phương thức tấn công phổ biến. Xin lưu ý rằng Adobe đã ngừng hỗ trợ Adobe Flash vào cuối năm 2020, do đó bất kỳ lời mời tải xuống Flash Player nào đều là gian lận.

Không chấp nhận trợ giúp kỹ thuật giả mạo

Nếu bạn nhận được một cuộc gọi không mong muốn tự nhận là từ Apple hoặc có thể là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của bạn và nói họ tin rằng máy tính của bạn đã bị lây nhiễm vi-rút và đề nghị hướng dẫn bạn một số bước để sửa chữa thiệt hại, hãy cúp máy. Mục đích của chúng là lừa bạn tải phần mềm độc hại về máy.

Thực hành an toàn mạng

Ví dụ, không mở tập tin đính kèm trong email từ những người mà bạn không biết, tránh các trang web mà bạn không tin tưởng, chỉ tải xuống ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy như App Store, sử dụng mật khẩu mạnh cho mỗi tài khoản, sao lưu các tập tin quan trọng thường xuyên và sử dụng phần mềm diệt virus cho máy Mac có tính năng bảo vệ theo thời gian thực.

Các sản phẩm liên quan

Phải làm gì nếu bạn nghĩ rằng máy Mac của mình có phần mềm độc hại

Nếu bạn nghĩ rằng máy Mac của mình có phần mềm độc hại, điều quan trọng là phải hành động nhanh. Tìm hiểu cách kiểm tra virus trên máy Mac và cách gỡ bỏ phần mềm độc hại khỏi máy Mac.
Kaspersky logo

Các bài viết liên quan